Trích nguồn từ bài viết Hội họa hay nghệ thuật của những quy ước ám ảnh báo điện tử Duyên dáng Việt Nam
Tranh họa sĩ Đinh Phong với tôi đó là chuỗi mắt xích thời gian vào nhau, một không gian quy ước tạo những ám ảnh, những bí mật bay đi xuyên qua màn đêm, có thể giấc mộng luôn có mặt, luôn hiện hữu. Họa sĩ, nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn, từ Đà Nẵng gửi đến DDVN bài viết về một triển lãm…
Bắt đầu xem tranh họa sĩ Đinh Phong, luôn bị kích thích thị giác, tưởng vô nghĩa nhưng lại thường trực có nghĩa. Tôi như bị (thưởng trực) chạm phải hay rơi vào những tầng sóng vô thức. Tranh anh biến tấu hình thể, đề tài trừu tượng, tạo sự liên kết ý niệm rời, ghép lại bên trong nội tại.Bộc lộ các phác họa, vô tình rong chơi thả khái niệm chuỗi ý khác nhau, theo từng chủ để tranh tượng. Sự biểu cảm đó thường trực, nghiêng về động vật, đồ vật. Càng trừu tượng càng thấu hiểu đại thể khối hình đa màu, tượng hình. Cảm và cố hiểu là tư cách người ngắm tranh. Riêng người vẽ thì hoàn toàn vô tâm. Họ chỉ dựng ra hình hài vô thức lạc giữa thế giới sáng tạo.
Tranh Đinh Phong với tôi đó là chuỗi mắt xích thời gian vào nhau, một không gian quy ước tạo những ám ảnh, những bí mật bay đi xuyên qua màn đêm, có thể giấc mộng luôn có mặt, luôn hiện hữu. Màu sắc đề tài cốt nhất chủ đích vẽ chỉ để thỏa mãn ước nguyện. Đó là ảnh hình đôi lúc chúng ta đã thấy quay cuồng cõi tâm linh, bây giờ dưới cọ họa sĩ lại chỉ như một phác thảo nét giải mã. Tôi nghĩ rất khó diễn giải chúng. Nhưng với tên từng tác phẩm như: Phật hóa, Cái cờ và lũ quái ngây thơ có đuôi, Không tên, Chuyển, Đột ngột, Vỉa, Tĩnh tụ… thì Đinh Phong càng cho thấy nghệ thuật là không có ranh giới.
Tôi cảm nhận được anh vẽ lại giấc mơ giống bài thơ siêu thực, linh hồn cất cánh thoát rời, đôi cánh đập nhẹ nhìn xuống, nó là giấc mở đầy rẫy, bao la thần giao cách cảm. Và, người vẽ ra chúng, đồng nhịp sâu thẳm – với các mảnh ghép nối đuôi, giòn tan, dễ đổ vỡ. Tôi bị ám tượng chiêm bao, nơi trong tranh anh bằng câu thơ: “Hãy cào bới đi em, một đường chân lý cũ hai chiều hấp hối, màu cát tưởng con ong chấp, đôi cánh nâu mật. Ta biết thỉnh lặng trăng vàng đèn chiều, tẩy úa giấc mơ nghìn năm. Không thể xoa tội đầy, con suối buồn vụng dại nơi kiếp xa, miệng cơ trời giá lạnh bơ vơ.”.
Từ đó, thi ca không thể nghiệm sự hiện hữu, chỉ hội họa là cái được nhìn thấy, bằng cách suy đoán, soi mói trong tiềm thức. Thì, tôi phán đoán anh bị dằn vặt, anh khao khát về nỗi cô đơn, từ giấc mơ xa lạ nào đó, người họa sĩ không thể hiện rõ bằng ngôn ngữ văn chương. chỉ đi qua trí tưởng, bày biện vẽ ra bằng ý thức thực tại. Vì thế, anh vẽ quy chiếu bởi không gian ba chiều, tạo ra cấu trúc rung động và hấp dẫn.
Thoát khỏi cái tượng hình, lấn át thế giới riêng tư hữu hình. Đó là những đường nét vòng cung, đường thẳng uốn lượn đan chéo, họa sĩ Đinh Phong dẫn người xem bám sâu cường độ sắc màu đậm nhạt, chừa ra khoảng trống rỗng nối nhau, bằng lớp màng tô điểm dựng nên bầu trời tự do – giống nguồn sáng ban mai, một buổi chiều tà, bãi biển xanh bờ cát vàng, màn đêm lấp lánh ánh trăng tà. Tranh anh, có sự chuyển động, nhấn mạnh vào từng khối hình, nổi bật chồng chất hiện rõ ra ngôn ngữ trừu tượng, mặt người, sự vật, hình thể đa nghĩa, vệt màu xuôi hồn nhiên nguệch ngoạc, biến chuyển.
Điểm nổi bật của họa sĩ Đinh Phong, là sự tương tác những bản thảo ký tự tượng hình, ráp ghép lại , chúng không mang tính logis, luôn hỗn loạn lộn xộn, lối vẽ ào ạt cuồng điên, tô sắc thái ở mỗi đường viền, hiện ra khối đá cội, tấm kính rơi khỏi chiếc bàn tròn, ngọn lửa đỏ phân tán bùng lên, rừng cây khô lớp vỏ sần sùi ngã nghiêng, màu da người và loài động vật loang chảy… Tuy nhiên, từ vô vàn cái mảnh vỡ huyền bí, tự tạo tác đó, làm bề mặt cắt, đục khoét lồi lõm cho qua không gian ba chiều. Anh đã tạo ra các tác phẩm điêu khắc gốm sứ, với hai loại men, dân gian và men oxit, nung một cách ngẫu nhiên, rồi sắp đặt chuỗi hình hòa nguyện độc đáo.
Họa sĩ Đinh Phong thuộc dòng tranh, theo trường phái ấn tượng, biểu hiện trừu tượng. Anh đam mê vẽ để hồi sinh giấc mơ chính mình, giấc mơ nào cũng huyền bí, chiêm bao phiêu bồng từ những ý nghĩ lạ, tranh và tượng hòa nguyện lại, mang dấu ấn trừu tượng, muôn trùng khơi ẩn hiện. Nên chăng nhà phân tâm học Sigmund Freud, tìm hiểu trong sâu thấu, diễn giải giấc mơ đã viết: “Không thấy một yếu tố nào của nội dung giấc mơ, mà từ đó lại không có những sợi dây liên tưởng, chạy ra hai hay nhiều ngã. Không thấy một tình huống nào mà không lại được dàn dựng từ hai hay nhiều ấn tượng sự kiện – Giấc mơ là thức phế phẩm. Nó thế thân cho những dòng suy nghĩ giàu ý niệm và đam mê ”. Hay rằng, cơ duyên dẫn anh theo đuổi, một ước mơ trong giấc mơ, mòn mỏi đó nay thành hiện thực.
————–
(*)Chú thích ảnh chính: Một số tranh sơn dầu đang hoàn thành trong xưởng vẽ của họa sĩ Đinh Phong.
Huỳnh Lê Nhật Tấn