Đạo diễn Châu Quang Phước là một cái tên khá nổi tiếng trong giới nghệ thuật thứ 7 với những bài viết phê bình, nhận định, phân tích về phim, điện ảnh khá sắc sảo. Cũng bằng cái nhìn rất riêng biệt, anh đã có một ghi chép khá cẩn thận và tường minh về phòng triển lãm “Giấc mơ siêu thực” với những góc nhìn, phát hiện độc đáo. Duyên Dáng Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết này.
Bữa ấy, mình bước đến buổi khai mạc triển lãm phòng tranh “Giấc mơ Siêu thực” của họa sĩ Đinh Phong với một tâm thế hoàn toàn không chuẩn bị ước định gì, về thứ ngôn ngữ nghệ thuật nào trong hội họa mới mà mình sẽ được xem, để rồi khi ra ra về cứ mãi hoài nghi mộng tưởng.
Mình cũng chẳng phải người theo thuyết “Bất khả tri”.
Đôi mươi năm nay, ở Sài thành, mỗi khi có dịp thì mình cũng thường đi xem tranh triển lãm của anh em bạn bè, thông thường chỉ là ở buổi khai mạc. Hiếm khi đi xem lại, sau đó. Không phải vì chỉ cần xem một lần là đủ, bởi mình ý thức rằng người nghệ sĩ – họa sĩ nào cũng đầy tâm tư với nhiều ý niệm tranh chấp trong từng cuộc triển lãm tranh của họ, với từng lần vung màu buông cọ. Nhưng đời sống của thời đại fastfood dường như đã bắt đầu hiện hữu bằng ấn chứng thời gian vội vã mỗi ngày với hầu hết con người thị dân, kể cả với sự thưởng ngoạn tự thưởng tự thân về một buổi tiếp cận nghệ thuật bất kỳ. Điều ấy khiến mình thấy mình luôn sống giấc ơ hờ cho
chính mình, mỗi khi tham dự một buổi triển lãm tranh.
Vậy nếu đi xem triển lãm tranh (& tượng) của họa sĩ Đinh Phong thì sẽ khác à?
Không. Dù cũng rất có! Là bởi đến tận thời điểm này, sau vài ngày lùi xa khỏi cảm thức ban đầu khi xem loạt tranh mới này của họa sĩ Đinh Phong – người nghệ sĩ tài danh thuộc hàng “hài nhi tóc bạc”, cái chính cũng là để mình tránh xa những dòng đề từ bình tranh này nọ của quá nhiều người nổi tiếng trong giới vì lỡ đọc, để hy vọng sẽ tự đọc vị được gì đó với tranh ấy người ấy. Và thiệt ra là với chính mình – một người xem tranh – mới là quan trọng nhất. Mình cho là vậy, tự nghĩ là vậy.
Ngay từ cái tên về cuộc triển lãm mới này của họa sĩ Đinh Phong tại Sài Gòn: “Giấc mơ Siêu thực” (trước đó là triển lãm cá nhân đầu tiên “Người bay và giấc mơ Siêu thực” tại Hà Nội), cụm từ “Siêu thực” như thể có phần mang tính định hướng lẫn áp đặt ấy buộc mình phải “dựng tường phòng thủ” khi lần bước xem tranh, với khối lượng tranh vẽ đủ kích cỡ được trưng bày kín khắp từ gian chính cho đến hai gian trái, phải rồi cả ở gian hậu của tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật Tp.HCM rộng mênh mang.
Bởi, gu riêng rất cá nhân luận của mình là “Siêu thực” thì phải cỡ kiểu Salvador Dali xứ Tây Ban Nha; René Magritte xứ Bỉ, hoặc Nguyễn Đình Đăng, chẳng hạn. Còn câu chuyện “Tuyên ngôn Siêu thực” hồi năm 1924 của nhà thơ “Giáo trưởng Siêu thực” André Breton thì hẳn nhiên sẽ phải dắt dây với một loạt các giáo đồ xuất chúng khác nữa của trường phái Siêu thực thời kỳ đầu, mình không muốn lạm bàn. “Siêu thực” và trường phái Siêu thực (Surrealism), nói nôm na là hình thái vượt thoát khỏi Hiện thực về tạo hình trong hội họa, tìm cách khai thác vô thức kiểu nào đó.
Vậy về phương diện này thì họa sĩ Đinh Phong đã chạm vào được chưa?
Mình được biết (sau khi từ triển lãm về nhà tìm hiểu thêm thông tin liên quan), họa sĩ Đinh Phong vốn là một doanh nhân, đồng thời cũng là nhà sưu tập tranh có hạng có tiếng (sưu tập tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu…) từ mấy chục năm nay. Thế nhưng họa sĩ Đinh Phong chỉ mới bắt đầu chính thức vẽ tranh từ năm 2020, tính đến thời điểm này là 2 triển lãm cá nhân, với số lượng tranh (& tượng) khá nhiều khá lớn.
Điều ngạc nhiên nhưng cũng có phần thú vị là họa sĩ Đinh Phong đã bỏ qua bước vẽ “Hiện thực”, tiến thẳng vào trạng huống của trường phái ít nhiều vẫn đang còn có tính “thời thượng” ở xứ Việt (nếu so về lịch sử hội họa thế giới): Trừu tượng (Abstract). Hoặc thậm chí là Biểu hiện Trừu tượng (Abstract Expressionism). Đồng thời song hành trong miền cảm thức của chủ nghĩa “Siêu thực” (Surrealism), như bản thân họa sĩ tự gọi tên chính mình thông qua 2 cuộc triển lãm tạo đà rất ấn tượng, về mọi biểu hiện trong hành trình tạo tác mới lạ.
Có lẽ, có lẽ thôi, trường hợp Đinh Phong vừa khác biệt vừa đồng hiện với trường hợp điển hình về nội hàm sáng tạo đầy cá tính của hội họa Việt Nam một thời: Trần Trung Tín (1933 – 2008) – người họa sĩ thích vẽ thì cầm bút vẽ chứ cũng chẳng cần phải thông qua trường lớp nào (bắt đầu tự học tự vẽ một mình từ năm 36 tuổi, triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 1989 khi đã 56 tuổi). Hiện thực hình ảnh tạo hình trong tranh theo lối Biểu hiện (Expressionism) của họa sĩ tự học Trần Trung Tín là lời tự nhận, như kiểu chân dung tự họa, rằng “đi trong mơ khi hai mắt vẫn mở …” Đó cũng là người họa sĩ từng được tờ báo uy tín “The Independent” nhận định: “Trần Trung Tín là nghệ sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam” trong lĩnh vực hội họa. Danh họa Bùi Xuân Phái nhận xét: “Màu của Tín là màu trời cho”.
Họa sĩ Đinh Phong dường như đã tìm “Đường vào tình sử” cho “hiện thực” của mình bằng tâm thức giảu trải nghiệm sống và phong độ của một người như học giả Vương Hồng Sển liều lượng “Hơn nửa đời hư”, khi quyết định cầm bút vẽ.
Ở giác độ của người xem tranh Đinh Phong, phải công nhận là mình đã ít nhiều loay hoay từ xa đến gần, có lúc phải thử chụp hình kiểu nhòe mờ (như cách nheo mắt vẽ hình họa) để focus vào mọi sự nhảy múa của hòa sắc mà tạm thời bỏ qua đường nét lẫn bố cục của khoảng trống, rồi cũng có khi lại thử chụp cận – đặc tả với một góc khung tranh có chữ ký của người vẽ nhằm mục đích soi chiếu hiệu ứng acrylic on canvas, như đã từng lặng ngắm lớp nền vải bố chỉ được phủ loáng qua lớp sơn dầu tinh tế mà không kém phần tinh tướng, ở đôi chỗ trong tranh của cụ Bùi Xuân Phái (khi có dịp “mục sở thị”).
Bởi những hình hài hội họa diễn động “kiểu Đinh Phong” tạo cho mình cảm giác lẫn lộn giữa thực và mơ, rồi thậm chí là mớ, hư ảo trong cơn mộng mị nào đó của người dẫn chuyện mà chừng như cũng đang bị lạc bước trong vùng không gian thuộc về câu chuyện của mình. Các mảng màu ấy, cả sắc nóng cùng sắc lạnh, có thể là hồi ức về kính vạn hoa của tuổi thơ, là dải cờ phướn phất phơ trong mùa lễ hội, là thứ mosaic tâm cảnh trôi dạt nơi dòng đời đi qua, hoặc kể cả đó chỉ là những bãi nôn cho sạch tâm thức hành đạo của một người nghệ sĩ “buông dao thành Phật”… Nào ai biết, nào ai hay. Mà chắc họa sĩ cũng chẳng muốn diễn dịch bằng lời cửa miệng, bởi “Mưa rơi không cần phiên dịch” (Trần Dần).
Nhưng thể nghiệm nào phải chỉ dừng lại ở riêng người sáng tác.
Người xem – khán giả ắt hẳn cũng cần tự mình thị hiện cảm tác, theo lối riêng. Không cần phải chơi trò vén mây. Chỉ là thử mở cánh cửa “mật thất” theo ý mình, tự mình thực chứng. Như cung cách của cuồng phim xem đi xem lại nhiều lần với bộ phim Hong Kong kinh điển “Tâm trạng khi yêu” (In the Mood for Love) của lão đạo Vương Gia Vệ, ra mắt hồi năm 2000. Tên phim Hán Việt là “Hoa dạng niên niên” (Năm tháng vui vẻ trôi đi như những cánh hoa), từng được Đài CNN bình chọn là “Phim châu Á vĩ đại nhất mọi thời đại”. Xem nhiều lần thì hẳn nhiên là không còn xem nội dung câu chuyện nữa, thành ra cứ phải thử khi thì nhắm mắt xem, lúc bịt tai xem. Để cảm nhận rõ nét từng nhịp điệu tiết tấu của khung hình thực sự là gì khi vắng âm thanh tiếng nhạc, gọi là “Đời vắng em rồi, say với ai”. Hoặc là chỉ để tận hưởng âm thanh cùng âm nhạc của từng phân cảnh phim, kể cả khi không còn xem hình ảnh hiển hiện. Như với bản nhạc nền chính của phim: “Yumeji’s Theme” (do Umegayashi Shigeru sáng tác); hay ca khúc “Bengawan Solo” dùng làm nhạc nền bổ trợ cho phim, hoặc ca khúc “Lan hoa nữ” (chuyển thể từ ca khúc “La Violetera”) bằng tiếng Quan Thoại lồng vào phim…
Tất nhiên, xem tranh đơn thuần sẽ khó thể gặp phải mắc phải Hội chứng “lồng cảm giác” (synaesthesia)- một thuật ngữ Hy Lạp chỉ sự cảm nhận từ các giác quan phối hợp, vốn dĩ đã được Y văn thế giới ghi nhận từ khuya. Như tương truyền nhà thơ Arthur Rimbaud có thể “nghe” thấy được mỗi một màu sắc; nhạc sĩ Beethoven “sờ” được vào từng âm thanh…
Hiểm họa ấy, nếu có, xem ra cũng là một phúc phần!
“Tôi khóc những chân trời không có
người bay
Lại khóc những người bay không có
chân trời.”
(Trần Dần)
Cảm nhận trong Ngày Nghệ Thuật Thế Giới – World Art Day, 2021
Đạo diễn Châu Quang Phước