Triển lãm Điêu khắc gia Đào Châu Hải và Họa sĩ Đinh Phong

Triển lãm Điêu khắc gia Đào Châu Hải và Họa sĩ Đinh Phong:

BỐN GHI CHÚ VỀ QUÁI TƯỢNG VÀ CƠ VŨ TRỤ

1.Con người có mặt ở khắp nơi mà cũng giấu kín mặt khắp nơi. Nghệ thuật không để chung chạ cho mọi thời, mọi người; giá trị thị quan của mỹ thuật không hẳn ai cũng nhận thấy cho dù sự giao tiếp bằng con mắt đã chiếm quá ba phần tư mọi tiếp xúc đời sống nhân loại. Thế giới thực trong đó vạn pháp tồn tại bằng mối tương quan hòa điệu vi mật không thể cắt xén, biểu diễn qua một trào lưu, định nghĩa hay khái niệm.

Ấy là chưa kể thời đại hôm nay cảm nhận, tiếp xúc, phê bình nghệ thuật đang có xu hướng thoát khỏi các academy kinh viện, tách chuỗi, xa rời các tiêu chuẩn giá trị “gìn vàng giữ ngọc” xây dựng thành hệ thống trước đó buộc nghệ thuật tạo hình như tranh, tượng, chạm khắc, xếp đặt… phải sống nhờ vào lời nói hay diễn – biểu – ngôn thành trang phục, mặc nhiên xác lập hệ giá trị của ngôn ngữ quan trọng như chính là đang “mặc quần áo cho tác phẩm”.

Có nghĩa dùng cái hư (hình) = Tiếng nói định vị hay định đoạt cái hữu (hình) = Tác phẩm. Thật nhiêu khê hoạn đoạn làm sao!

Cho dù vấn đề cốt tử thì, một tác phẩm nghệ thuật không thể đi ra ngoài chiều kích của chính nó, là có thể được xem xét như một ống dẫn tư duy nội thể người nghệ sĩ sang tư duy khách thể kẻ thưởng thức. Tuy nhiên thông điệp chuyển tải lại tùy thuộc vào tri thức, cảm quan, kinh nghiệm sống hay biên độ mở tư duy đôi khi đã bị cắt đoạn, hay đã vạch hằn từng đường rãnh nếp nô lệ trong thụ hưởng và sợ hãi khi tiếp nhận.

Nhưng dù thế thì, tôi vẫn nghĩ ngay đến triển lãm ‘bộ đôi” của hai Ego điêu khắc gia Đào Châu Hải và họa sĩ Đinh Phong qua hai hình ảnh là “Quái tượng” và “Cơ Vũ trụ”.

“Quái tượng” bởi trước hết là triển lãm lần này của hai Ego đều quái lẫm và độc đáo. Nhất là Đinh Phong với chuỗi tượng liên hợp như biểu cảm của “Thiên – Địa – Nhân” thực tại.

Nhất là giữa thời Corona bùng nổ, cả thế giới bị đe dọa bởi một con virus nhỏ và chưa có một nghiên cứu nào đưa đến một tổng kết sự thực là gì? “Có mặt ở khắp nơi mà cũng giấu kín mặt ở khắp nơi” chăng? Là Đào Châu Hải ông với những tượng mới mà qua theo dõi cá nhân, tôi biết đó là kết quả sau những đào luyện phức cảm chồng chéo của nội tâm hay tìm đến sự thống nhất của nội tại sau những tầng mức dày vò, cũng như bước qua các mâu thuẫn trong lịch sử nghệ thuật cá nhân mình để tiếp tục chạm đến cái lõi của bản nguyên sự sống, của sự tối giản.

***

2.”Quái” còn ở hiện tượng ngỡ rất khó xảy ra bởi không dễ dàng. Đó là sự kết hợp “bộ

đôi” giữa một điêu khắc tên tuổi hàng đầu của Việt Nam, từng được đào tạo chính quy ở một Học viện Hàn lâm Mỹ thuật danh tiếng thế giới, từng là thầy của nhiều thế hệ học trò. Và đặc biệt tác phẩm của ông như thẩm thấu qua vốn tri thức nghệ thuật kinh điển và cổ điển tự ngàn xưa.

Đó chính là sự thanh lọc của tâm hồn đưa đến quan niệm cái nhìn nghệ thuật như chạm trổ vào bản ngã tìm cái cái tinh thể sót lại của buổi hoàng hôn con người. Ego đã đạt được những thành tựu nhất định ở nhiều chất liệu khác nhau và cũng trải qua nhiều khuynh hướng nghệ thuật, từ Hiện thực đến Biểu hiện thời kỳ đầu cho tới xu hướng Trừu tượng hình học rồi nghệ thuật Ý niệm. Trong bối cảnh nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam, ông là người tiên phong và có nhiều cách tân trong điêu khắc kim loại, truyền nhiều cảm hứng cho cả một thế hệ nghệ sỹ trẻ. Đào Châu Hải, một trong những điêu khắc gia hàng đầu của Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới. Người khai phóng và khai thác đến tận cùng biên độ trực giác.

Và một Ego kết hợp hoàn toàn như ngược lại. Tên tuổi mới, tài năng mới. Chưa một ngày được học qua chính quy của trường lớp Hội họa. Nhưng sự đam mê và học hỏi của anh cho nghệ thuật mình gần như tận tụy, gan góc từ khởi sinh đam mê đến nay, hằng mất chục năm. Người khởi động những nét đầu tiên trên toan trắng như sờ sẫm, tìm kiếm một ý nghĩa, một chân lý giữa bức tường mê ngộ và phàm thánh.

“Bạn phải là một ai đó trước khi có thể là không ai cả” (Jack Engler). Nhận xét như nhà phê bình Nguyễn Quân về anh là “hội họa như bản năng” hay “truy đuổi tốc lực” của bản thể với hư vô. Nhạy bén về xúc cảm, tinh tường trong quan sát, anh quán âm và lắng nghe được những tiếng nói sâu thẳm, không đồng nhất như đã từng phát biểu gây rợn dưới đáy tầng rễ chiêm nghiệm khoảng trống cảm xúc “Tôi nhìn thấy sự sụp đổ của những kiến trúc hoành tráng”.

Tác phẩm tranh tượng từ “thế giới siêu thực” của anh lại là một phản đề sắc gọn trước nhiều truy phán cực đoan trước đây. Siêu thực có nghĩa là thực hơn bao giờ hết chứ không phải là cái không có hay cái chỉ có trong mơ. Vấn đề này là một loại chấp những hệ hình cũ kỹ trước đó. Và trước thực tại viễn kiến cần được liên tục bổ sung những góc cạnh mới của tư duy sáng tạo.

Anh cũng từng thổ lộ sự hoang mang của chính mình khi đối diện với thế giới hỗn loạn “Vũ trụ hay là không Vũ trụ”:

“Ngắm nhìn tấm toan trắng thấy thích hơn ngắm bức tranh đã vẽ xong / Im phăng phắc / Lặng như tờ / Một nền toan trắng / Sáng lung linh / Vầng không gian / Tuôn trào trong mắt / Vũ trụ nào đây / Vũ trụ nào / Lướt nhẹ mênh mông / Lướt tới lướt / Chẳng nghe mảnh gió / Thoảng qua tai / Ánh sáng hay là / Không ánh sáng / Sắc mầu hay là / Sắc mầu không / Im phăng phắc / lặng như tờ / Vẫn nghe sống động / Thanh âm tịch / Ngàn ngàn vạn vạn / Sắc hân hoan / Vũ trụ hay là / Không vũ trụ / Lâng lâng đắm mình / Say đắm say…”.

Ý thức và vô thức đồng hiện như trong mộng. Đây cũng là lần thứ 3 triển lãm của họa sĩ

Đinh Phong. Sau hai lần trước đó ở Hà Nội và Sài Gòn.

***

3. Chiêm ngưỡng những tác phẩm của Đào Châu Hải từ “Ballad Biển Đông”, “Thinh”… luôn tạo cho tôi xúc cảm mới, gây men lạ trong giác quan, trào ngược khoái cảm. Có được điều đó thiết tưởng Những đột phá khiến tôi liên tưởng đến Cơ – Vũ – trụ, những cột chống đỡ vô hình vươn qua sự sống còn hay chống đỡ cơ yếu của tầng không gian tượng trưng. Tượng Đào Châu Hải như đề xuất một ngữ – pháp mới – cho – điêu khắc.

Tư duy cá nhân độc lập, óc khái quát tổng hợp, nhìn thấy cái phổ biến trong cái đặc thù và đơn nhất, cái trường cửu trong cái nhất thời, tác phẩm ông chính là những minh họa trực quan sống động trong tiềm thức tư duy.

Cũng cái nhìn ấy cho hội họa và tượng của Đinh Phong. Từ vẽ theo thôi thúc của một bản năng sinh dưỡng tâm linh, anh đã vượt chấp phiền nhiễu của tập quán cộng sinh tự ngộ và đốn ngộ. Không cương cưỡng trong những trường phái mà chỉ luôn nghe theo thôi thúc tự nhiên nhất của chính mình. Khát vọng đam mê tuyệt đối sẽ sinh năng lượng nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo. Không quá lời khi nhiều họa sĩ và nhà phê bình nhìn thấy trong tác phẩm Đinh Phong ngôn ngữ biến thể một Thế hệ Tạo hình mới.

Vậy điều gì đã kết nối giữa họ nếu như không phải sóng từ trường sáng tạo giữa hai cá thể đã giao động cùng một tần số? Điều đó không phải là “quái tượng”, là “Cơ vũ trụ” là thú vị hay sao?

***

4.Như nhập đề tôi đã hàm hồ, nghệ thuật hôm nay có khuynh hướng nguy cơ xác lập giá trị của ngôn ngữ, ngôn từ hiển nhiên như đang là “mặc quần áo cho tác phẩm”. Đẩy vị trí độc tôn của tác phẩm tạo hình “là một, là riêng, là thứ nhất” ấy sang vai trò thứ hai. Đưa ngôn ngữ vốn khách thể lên thành trung tâm. Vậy để kết thúc bài viết minimalism hay tối giản hết cỡ này tôi không mong ước, cầu thị gì hơn được các bạn vui lòng bỏ qua nếu như nhận xét trên cũng chỉ là phù du và tạm thời bằng cách hãy cùng đến xem triển lãm “Cơ Vũ trụ” ý tưởng, tư duy tự do, cả tạo hình lẫn tạo nghĩa hòa quyện sức sáng tạo mãnh liệt, chắn chắn là sẽ gây chấn động thị giác này!

Đến để đập bỏ những lớp áo ngôn từ, ngay cả chiếc áo ngôn ngữ của bài viết để thử “lột trần” các tác phẩm của điêu khắc gia Đào Châu Hải và họa sĩ Đinh Phong.

Tại sao? Bởi có thể diễn lại một ý niệm từ danh họa Pablo Picasso “Nghệ thuật là hiện tại!”

Sài Gòn, Rằm đầu Nhâm Dần, tháng Giêng, 2022

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

 

5/5 - (1 bình chọn)
Scroll to Top