Sự Tương Tác Từ Những Xung Khắc

Triển lãm của điêu khắc gia Đào Châu Hải và họa sĩ Đinh Phong.

Những Điều Đọng Lại

SỰ TƯƠNG TÁC TỪ NHỮNG XUNG KHẮC

Triển lãm của điêu khắc gia Đào Châu Hải và họa sĩ Đinh Phong đã bế mạc được một khoảng thời gian khá dài. Ít nhất cũng đủ để lắng đi những ấn tượng ban đầu, tạo nên những xúc cảm phức hợp, tác động trực tiếp đến sự nhận thức của khách thưởng ngoạn. Đồng thời, cũng có đủ thời gian để nhìn nhận một cách xác quyết hơn về triển lãm độc đáo này, một sự kết hợp giữa hai “cao thủ” mà thoạt trông tưởng chừng như xung khắc. Sở dĩ phải đề cập đến vấn đề xung khắc bởi chăng bối cảnh xuất thân, hoàn cảnh sáng tác, lẫn tư duy cá nhân của Đào Châu HảiĐinh Phong là hai thái cực hoàn toàn khác biệt, thậm chí đối lập nhau như nước với lửa.

Điêu khắc gia Đào Châu Hải. Nguồn: Facebook nhân vật.
Điêu khắc gia Đào Châu Hải. Nguồn: Facebook nhân vật.

Đào Châu Hải là một điêu khắc gia có tiếng tăm trong giới mỹ thuật nước nhà. Ông tốt nghiệp học viện nghệ thuật hàn lâm quốc gia Moscow mang tên V.I Suricov, trực thuộc viện hàn lâm nghệ thuật liên bang Nga. Ông đã từng trải qua các vị trí giảng dạy, quản lý mỹ thuật. Những tác phẩm điêu khắc của Đào Châu Hải đã tạo nên một vị trí riêng biệt, độc đáo, không thể pha lẫn trong nền điêu khắc nước nhà. Đồng thời, ông có nhiều cách tân tiệm cận với xu hướng mỹ thuật đương đại trên thế giới, tạo cảm hứng và động lực cho nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ sau này. Theo Đào Châu Hải, nghệ thuật chỉ là sự bày tỏ bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, ông chọn bày tỏ thông qua ngôn ngữ tạo hình. Ông chuyển tải những suy nghĩ và cảm xúc tự thân đối với không gian và cuộc sống chung quanh, những cái được gọi là đời-sống-xã-hội mà người nghệ sĩ là một chứng nhân. Qua đó, bằng nghệ thuật thị giác ông có thể trình bày, đồng thời đưa ra một nhận thức về thẩm mỹ, để người thưởng ngoạn có thể tự thân suy ngẫm về những chiều kích khác nhau của cuộc sống, của nghệ thuật ngay từ phía sau, bên trong những gì được nhìn thấy. Đến đây, có thể xác tín rằng Đào Châu Hải là một “cao thủ” đại diện cho dòng nghệ thuật chính tông.

Ở chiều ngược lại, họa sĩ Đinh Phong là một doanh nhân sinh ra tại Hà Nội và thành công tại Sài Gòn trong các lĩnh vực bệnh viện và giáo dục. Cho dù là vậy, niềm đam mê nghệ thuật từ thuở còn thiếu thời của Đinh Phong là điều không thể nghi ngờ. Ông bị nghệ thuật ám ảnh đến từng giấc mơ. Những giấc mơ, nhưng thực sự đó là những chiêm nghiệm sâu sắc, những giằng xé nội tâm, luân chuyển trong khí huyết của con-người-nghệ-sĩ  Đinh Phong. Để rồi đến một ngày chín muồi, khi không chịu đựng nỗi dồn nén tích tụ, nó bắt buộc ông phải bùng phát ra bên ngoài, thể hiện nó lên trên khung vải, trên những khối hình điêu khắc. Và tất nhiên, bởi tự do bùng phát nên Đinh Phong chuyển tải những cảm xúc, những ý tưởng của ông một cách ngẫu hứng, bất chấp học thuật. Cũng phải thôi, bởi chưng ông chưa từng bước chân đến bất kỳ một lớp học mỹ thuật nào. Đinh Phong tâm sự, ông sáng tác bởi sự thôi thúc từ những giấc mơ, bằng những suy nghĩ, những cảm xúc tự thân một cách tự nhiên, nơi đó chỉ có những cảm xúc tự do tuôn trào, tự do tưng tẩy không hề bị gò bó bởi bất kỳ một lý do nào. Đồng thời qua quá trình sáng tác và tìm hiểu, ông tự rút kinh nghiệm về kỹ thuật tạo hình để có thể chuyển tải những ý niệm của mình lên một tầng cao hơn. Tuy vậy, với sự thành công của hai triển lãm cá nhân đã được tổ chức tại hai trung tâm mỹ thuật lớn nhất tại Việt Nam là Sài Gòn và Hà Nội, ông đã khẳng định được vị trí của mình trong nền mỹ thuật nước nhà. Do vậy, có thể xem Đinh Phong là một “cao thủ” đại diện cho dòng mỹ thuật ngoại đạo.

Họa sĩ Đinh Phong ký tặng sách trong cuộc Triển Lãm lần 3 tại Hà Nội tháng 5 năm 2022
Họa sĩ Đinh Phong ký tặng sách trong cuộc Triển Lãm lần 3 tại Hà Nội tháng 5 năm 2022

Viết đến đây, tôi lại liên tưởng đến hai nhân vật Lưu Chính Phong và Khúc Dương trưởng lão trong tiểu thuyết của Kim Dung. Hai đại cao thủ, một “chính tông” một “ngoại đạo”. Tuy xu hướng xung khắc nhưng bất chấp những khác biệt, họ vẫn có thể kết tình tri kỷ, một cầm một tiêu song tấu, cùng nhau tiêu sái hòa khúc “Tiếu Ngạo Giang Hồ”. Vậy thử xem, Đào Châu Hải và Đinh Phong có thể biến xung khắc trở thành hòa hợp được chăng, có song tấu được với nhau trong một triền lãm “Đôi” hiếm có từ trước đến nay. Bởi chăng, ở xứ ta triển lãm “đôi” thông thường đã hiếm, triển lãm chung giữa hai cao thủ “chính tông” và “ngoại đạo” xem chừng lại càng hiếm hơn.

Trở lại với triển lãm của Đào Châu Hải và Đinh Phong tại Hà Nội – 2022. Về hình thể, với phong cách trừu tượng, mang xu hướng nghệ thuật ý niệm, cho dù có bay bổng uốn lượn trong các tác phẩm điêu khắc đá được đánh số “01” và “03”, giới thưởng ngoạn nghệ thuật cũng dễ dàng nhận ra những khối hình, mảng miếng khỏe khoắn, chắc chắn được phân định rạch ròi bằng những đường nét sắc cạnh trong các tác phẩm còn lại của điêu khắc gia Đào Châu Hải, rõ rệt nhất là tác phẩm mang số “05”. Trong từng tác phẩm của Đào Châu Hải, giới thưởng ngoạn nghệ thuật cũng có thể nhận ra được chân dung của một nghệ sĩ duy-mỹ-đến-khắc-nghiệt. Những tác phẩm như đã được tác giả lập trình sẵn, chỉnh chu đến từng đường nét, từng bóng đổ, chi li đến từng góc nhọn sắc cạnh. Hầu hết mang sắc thái dương cương, nghiêm cẩn đến lạnh lùng, vững chắc như những ngọn núi bất di bất dịch. Tác giả luôn muốn tìm đến sự hoàn hảo trong nghệ thuật, hay cuộc sống chăng? Và phải chăng, khi thưởng lãm những tác phẩm của Đào Châu Hải, giới thưởng ngoạn có thể suy gẫm, tìm về một khung-trời-hoàn-hảo?

Trong một chiều kích ngược lại, giới thưởng ngoạn nghệ thuật lại cảm thấy chênh vênh khi ngắm nhìn những tác phẩm điêu khắc kim loại của họa sĩ Đinh Phong. Những hố sâu không đáy, những mảng miếng khúc khủy, những bề mặt gập ghềnh, những điểm rơi bất chợt không định trước, những đường cong ngẫu hứng không thấy điểm dừng. Thủ pháp sáng tác của Đinh Phong như nước chảy mây trôi, khiến giới thưởng ngoạn hoang mang. Hoang mang như đang đứng trước ngã ba của những con đường vô định. Hoang mang như thân phận con người trước bão tố cuộc đời, trước những bầm dập từ định mệnh khắc nghiệt. Hầu hết, những tác phẩm của Đinh Phong đều mang sắc thái âm nhu, mềm mại chuyển tiếp như những con suối quanh co đổ về muôn hướng. Chuyển tải lên tác phẩm những suy gẫm từ trong tiềm thức của mình, phải chăng Đinh Phong muốn ám chỉ đến cái sự bất-hoàn-hảo trong thực tế khắc nghiệt của cuộc đời? Và phải chăng, qua những tác phẩm điêu khắc của Đinh Phong giới thưởng ngoạn lại cảm thấy chơi vơi khi suy gẫm về cái gọi là sự-không-hoàn-hảo của cuộc đời?

Sự hội ngộ giữa hai thái cực Đào Châu Hải và Đinh Phong tại triển lãm lần này là một điều độc đáo và thú vị. Bất chấp những khác biệt, thậm chí xung khắc, những tác phẩm điêu khắc của hai tác giả thực sự đã tương tác, bổ khuyết và hỗ trợ cho nhau. Đào Hải Châu giúp Đinh Phong cứng cáp hơn. Đinh Phong làm cho Đào Hải Châu mềm dịu lại. Như Âm – Dương vốn xung khắc, lại có thể tương hợp với nhau để tìm đến sự hoàn hảo. Hai nhóm tác phẩm được kết hợp khéo léo trong một triển lãm, khiến giới thưởng ngoạn liên tưởng đến một không gian phức hợp, nơi có những con suối mềm mại chảy quanh co bất tận ôm lấy ngọn núi hùng vĩ, cùng tấu lên một khúc nhạc ca ngợi vẻ đẹp muôn đời của nghệ thuật tạo hình. Hơn nữa, bằng các tác phẩm của mình, cả hai tác giả đều muốn gợi lên trong lòng giới thưởng ngoạn những suy gẫm sâu xa về tính bất toàn của cuộc đời, và cả những mơ ước đơn thuần của loài người luôn muốn tìm đến sự hoàn hảo.

*

Sau thành công của hai triển lãm cá nhân “Người Bay và Giấc Mơ Siêu Thực” – 2020 tại Hà Nội, và “Giấc Mơ Siêu Thực” – 2021 tại Sài Gòn, Đinh Phong đã trở thành một “hiện tượng đặc biệt” tạo nên một sự ngạc nhiên, nếu không nói là một sự sửng sốt lớn trong giới mộ điệu và cả giới sáng tác mỹ thuật chuyên nghiệp nước nhà. Rất nhanh chóng, ông trở lại triển lãm “đôi” lần này với nhiều tác phẩm hội họa khổ lớn được sáng tác trong khoảng thời gian ngắn ngủi giữa hai triển lãm. Phong cách sáng tác của Đinh Phong vẫn không hề thay đổi so với 2 lần trước. Vẫn là những hình ảnh vô định từ trong giấc mơ siêu thực, vẫn là những tưng tẩy tự do với màu sắc. Nhưng giờ đây, bằng những kiến thức tự thân tìm hiểu, nghiên cứu sâu về triết học, văn hóa và mỹ thuật trong nước cũng như thế giới, hoặc qua những chuyến đi, và quan trọng hơn, sau những kinh nghiệm đúc kết từ một quá trình sáng tác liên tục, Đinh Phong đã đằm lại, đã sâu hơn. Chủ nghĩa tự nhiên và sự bộc phát nhất thời trong tranh Đinh Phong giờ đây đã nhường chỗ cho những đắn đo biểu hiện, nhưng vẫn không mất đi những nét phóng khoáng, hào hoa ban đầu. Nói cách khác, những tác phẩm mới được Đinh Phong khai thác sâu hơn vào nội hàm của những suy gẫm, với cấu trúc chặt chẽ, màu sắc tiết chế, và kỹ thuật già dặn hơn.

Quan sát và định đặt, có thể đánh giá những tác phẩm điêu khắc lẫn hội họa của Đinh Phong thuộc phong cách trừu tượng. Về hình thức có lẽ như vậy, nhưng nhận định này cũng có đôi phần khiên cưỡng. Bởi Đinh Phong sáng tác từ những giấc-mơ-tự-thân-ám-ảnh. Những giấc mơ được tích lũy đâu đó từ những chiêm nghiệm, những suy gẫm về sự trắc trở của cuộc đời vô định, lắng đọng trong tiềm thức người họa sĩ đã từ lâu, từ rất lâu trong vô lượng. Để rồi một ngày, những nguồn năng lượng bị đè nén trong tâm thức Đinh Phong bùng phát ra thành những nét vuốt, những nhát cọ, những mảng miếng tạo nên hình hài của tác phẩm. Xem kỹ, theo thiển ý cá nhân của người viết, hầu như những tác phẩm của Đinh Phong có xu hướng thiên về nghệ thuật ý niệm hơn.

Thực ra trong môi trường mỹ thuật hiện đại ngày nay, biên giới của những trường phái, phong cách đã dần được xóa nhòa bởi sự kết hợp nhiều xu hướng khác nhau của các nghệ sĩ sáng tác. Chuyện phân biệt các trường phái, phong cách, xu hướng chỉ là công việc của những nhà phê bình và viết lịch sử mỹ thuật. Riêng với giới nghệ sĩ sáng tác, phong cách thực ra chỉ là phương tiện thể hiện, qua đó họ có thể chuyển tải suy gẫm, nhận thức và bày tỏ thái độ của mình bằng những tác phẩm mỹ thuật.

Người xem thích thú với bốn tác phẩm mang tên “Tứ Bình”
Người xem thích thú với bốn tác phẩm mang tên “Tứ Bình”

Sau ba lần triển lãm có thể khẳng định, họa sĩ Đinh Phong đã định hình được một phong cách cá-nhân-riêng-biệt, không hề bị trộn lẫn với bất kỳ một nghệ sĩ nào khác. Tuy nhiên, việc định hình một phong cách sáng tác, tạo nên tên tuổi cá nhân cũng có những mặt trái của nó. Ở đó, nếu người nghệ sĩ không có được một bản lĩnh nhất định, sẽ vô hình chung tạo tác phẩm của mình theo một lối mòn, dẫn đến sự trùng lặp sẽ bóp nát những sáng tạo. Có lẽ, Đinh Phong ý thức được điều này nên ông đã tìm hướng để thoát khỏi lối mòn trong tư duy mà vẫn giữ được phong cách sáng tác của mình. Có thể nhận biết được điều này qua tác phẩm điêu khắc số “060722” và nhóm bốn tác phẩm mang tên “Tứ Bình”. Mặc dầu sự thay đổi chưa rõ rệt, nhưng bước đầu đã cho thấy Đinh Phong đang cố gắng cựa mình thoát ra khỏi cái-bóng-cá-nhân của chính mình để tiếp tục sáng tác. Một điều đáng quý trọng. Hy vọng rồi đây giới thưởng ngoạn nghệ thuật sẽ được thưởng lãm những tác phẩm mang nhiều chiều kích, hình thức mới lạ khác của Đinh Phong, người nghệ sĩ của những “Giấc Mơ Siêu Thực”. Và hy vọng, trong tương lai gần công chúng yêu nghệ thuật cũng sẽ được tiếp cận ngày càng nhiều với những triển lãm “Hòa Hợp Từ Những Xung Khắc” như triển lãm lần này.

Trương Nguyên Ngã.

 Một tác phẩm điêu khắc mới số “060722” của Họa sĩ Đinh Phong
Một tác phẩm điêu khắc mới số “060722” của Họa sĩ Đinh Phong

BOX:

“Trong cuộc sống cũng như nghệ thuật, luôn tồn tại những xung khắc. Thoạt trông, ngỡ chừng như chúng cách biệt nhau, thậm chí đối kháng nhau. Tuy nhiên, những xung khắc đó nếu được dung hòa một cách hợp lý, chúng sẽ bổ sung, tương hỗ cho nhau tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Triển lãm mỹ thuật của điêu khắc gia Đoàn Châu Hải  và họa sĩ Đinh Phong tại Hà Nội – 2022 lần này đã phá tan đi những định kiến cổ hủ một thời về ‘chính tông” và “ngoại đạo” trong mỹ thuật”.

 

4.3/5 - (6 bình chọn)
Scroll to Top