Khúc biến tấu nghệ thuật hòa thanh giữa hội họa và điêu khắc

Triển lãm chung của Đào Châu Hải và Đinh Phong đang diễn ra tại Art Space Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Mỹ thuật 42 Yết Kiêu, Hà Nội, là một khúc biến tấu nghệ thuật hòa thanh giữa hội họa và điêu khắc, màu sắc và hình khối, hai chiều và ba chiều, mang đến cho người xem một ấn tượng thị giác độc đáo.

Đào Châu Hải và giai điệu bằng đá

Đào Châu Hải đã khẳng định tên tuổi của mình với những tác phẩm điêu khắc ở nhiều chất liệu và trường phái khác nhau. Tốt nghiệp Học viện Hàn lâm Mỹ thuật Quốc gia Moskva mang tên V.I. Surikov, từng trải qua các vị trí giảng dạy, quản lý mỹ thuật. Có thể nói, ông đã du hành từ Hiện thực, cho tới trừu tượng hình học, tối giản rồi đi đến Ý niệm.

 

Điêu khắc gia Đào Châu Hải.

Nguồn: Facebook nhân vật.

Trước đây, khi nói về triển lãm Thinh – Thing – Think năm 2021 của Đào Châu Hải, nhà nghiên cứu mỹ thuật – họa sĩ Trần Đán ở Mỹ đã nhận định Đào Châu Hải “từ chối tự trói mình trong khuôn khổ của tối giản” để tiến ra biển khơi bao la của nghệ thuật ý niệm. Tức giã từ sự hoàn kết của biểu hình để đến với vô tận khả thể của biểu ý. Tại triển lãm lần này, ông giới thiệu 7 tác phẩm điêu khắc đá nằm trong sê-ri mới của mình, chứng tỏ một bước tiến xa hơn đến với bờ bến miên viễn của ý niệm.

Tiếp tục khai thác triệt để các thuộc tính của vật liệu, lần này các tác phẩm điêu khắc trừu tượng cỡ trung của Đào Châu Hải được thực hiện trên chất liệu đá. Lựa chọn đá cũng đánh dấu một sự chuyển dịch chất liệu, từ kim loại sang đá của Đào Châu Hải. Nghệ sĩ cũng hé lộ một thể nghiệm kỹ thuật mới là việc sử dụng máy đục CNC ở các mức độ khác nhau với tùy từng tác phẩm cụ thể. Sự ngẫu nhiên và dang dở hiện diện trên kết cấu các tác phẩm để lại cho người xem những khoảng trống suy tư tự lấp đầy ý nghĩa.

Đào Châu Hải, điêu khắc đá 02, 65 x 50 x 30 cm

Đào Châu Hải, điêu khắc đá 04, 65 x 50 x 30 cm

Một góc không gian triển lãm.

Nhìn nhận các tác phẩm của Đào Châu Hải tại triển lãm lần này, nhà phê bình Nguyễn Quân cho hay: “Ở những tác phẩm trừu tượng cỡ trung bằng đá Ninh Bình (làm lỏng tay như chơi) bày lần này, ta vẫn thấy sự toàn hảo khắt khe của bố cục lớn, kết cấu phong phú mà rất mạch lạc chất đá, bề mặt, gờ mép, góc khuất bóng đổ… mọi chi tiết chi ly nhất đều phải đâu vào đấy. Ca cả bài hát với sự nhả từng chữ đạt chuẩn mới thôi.”

Như vậy, giai điệu bằng đá của Đào Châu Hải là một giai điệu chủ toàn, toàn thể quyết định bộ phận, đặt lên trên toàn thể một tính đồng nhất tuyệt đối, ăn khớp giữa các bộ phận có mối liên hệ tương hỗ, ví như một tổng phổ nhiều bè cổ điển.

Đinh Phong ứng tác/đáp

Như một sự ứng đáp hòa điệu với điêu khắc của Đào Châu Hải, là tranh (và cả điêu khắc) của họa sĩ Đinh Phong. Họa sĩ sinh ở Hà Nội, lập thân ở Sài Gòn. Một họa sĩ tự đào luyện không qua trường lớp, tranh của anh chứa đựng cả bản năng, trực giác lẫn mộng mơ. Những ảnh hưởng nghệ thuật của Đinh Phong đến từ ấn tượng (Paul Gauguin), lập thể (Pablo Picasso) siêu thực (Salvador Dalí), biểu hiện (Willem de Kooning).

Họa sĩ Đinh Phong. Nguồn: Đinh Phong Art Gallery.


Tranh của Đinh Phong mang nhịp điệu của pha REM (rapid eye movement – giấc ngủ chuyển động mắt nhanh), cội nguồn khởi sinh những cơn mơ. Hay nói khác, những mô thức tiết tấu, nhịp điệu triển nở với tốc độ cao của màu sắc, đường nét và hình khối là chế phẩm của phản ứng sinh hóa học thần kinh. Đinh Phong có vẽ lại những gì mình đã mơ thấy không? Có thể lắm, bởi đến những bậc thầy siêu thực như André Breton hay Dalí còn đẻ ra phương pháp để khai thác giấc mơ của mình nhằm tự tạo ra một siêu-thực tại.

Đinh Phong, Không tên 0922, sơn dầu và acrylic trên toan, 70 x 100 cm
Đinh Phong, Không tên 0922, sơn dầu và acrylic trên toan, 70 x 100 cm

Đinh Phong, Không tên 0922, sơn dầu và acrylic trên toan, 70 x 100 cm.

Đinh Phong, Tứ bình 07211 và 01222, sơn dầu và acrylic trên toan, 250 x 150 cm.

Lời tự bạch của anh trên trang web cá nhân của mình như một sự xác nhận: “Đôi lúc tôi cảm nhận từ trái tim mình, niềm vui sáng tạo như dòng điện lóe sáng, soi rọi trong tâm trí. Tôi giam mình trong phòng, phóng bút vẽ những ý tưởng nảy sinh trong đầu. Đây đâu chỉ là sáng tạo không, mà còn là đam mê mạnh mẽ mới thôi thúc mình muốn thực hiện, muốn cho mọi người nhìn thấy, chia sẻ và cảm nhận được giấc mơ siêu thực của mình. Những hình ảnh, cấu trúc, khối này là mình đã đưa được một phần nào đó từ trong giấc mơ ra thế giới ngoài giấc mơ của mình. Điều đó mình cũng thấy giấc mơ của mình luôn là thật.”

Không gian triển lãm.

Đinh Phong, Không tên 0721, sơn dầu và acrylic trên toan, 150 x 450 cm.

Đinh Phong, Không tên 0722, sơn dầu và acrylic trên toan, 100 x 120 cm.

Đinh Phong, Không tên 01422, sơn dầu và acrylic trên toan, 200 x 650 cm.

Mơ-vẽ, vẽ-mơ gần như là câu trả lời cho năng suất sáng tạo của Đinh Phong, cũng như số lượng lẫn kích cỡ đáng nể các tác phẩm được anh trưng bày tại triển lãm lần này. Hình thức, nói như Roland Barthes, “không có điểm đến,” trong khi “bút pháp” có thể là “cái tinh thần của hình thức” (“l’écriture” serait “la morale de la forme”). Quay về với hội họa Đinh Phong, hình thức mang tính tự sinh, ngẫu hứng của mơ, không bị câu thúc bởi hiện thực. Chắc hẳn rằng khi cầm cọ và thao tác, là họa sĩ đã tự đưa mình vào trải nghiệm cận-vô thức. Còn điêu khắc là khi anh cụ thể hóa mơ/ tranh thành vật liệu trong không gian ba chiều.

Triển lãm chung của Đào Châu Hải và Đinh Phong diễn ra cho đến hết ngày 31.5.2022.

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

5/5 - (1 bình chọn)
Scroll to Top