Siêu thực trong hội họa Đinh Phong | nhà nghiên cứu Trần Đán (Mỹ)

Hiện tượng hội họa Đinh Phong gần đây gây nhiều chú ý trong giới mỹ thuật và công chúng yêu tranh. Trên báo điện tử Duyên Dáng Việt Nam đã mạnh dạn giới thiệu nhiều ý kiến của các họa sĩ, nghệ sĩ, nhà phê bình nổi tiếng như Nguyễn Quân, Ca Lê Thắng, Nguyễn Thụy Kha, Phạm Long, Trương Nguyên Ngã, Nguyễn Hữu Hồng Minh… Sau đây là bài viết mới nhất của nhà nghiên cứu Trần Đán vừa gửi về từ Mỹ.

Tôi không hề muốn gượng ép họa sĩ nào vào khuôn khổ của những trường phái cố định, nhưng đây là do gợi ý của chính tác giả. Anh đã đặt tên cho triển lãm của mình ở Hà Nội là “Người Bay và Giấc Mơ Siêu Thực”. Tuy có cả tranh và tượng nhưng trong bài này tôi chỉ sẽ bàn về tranh của anh. Vậy có phải tranh của Đinh Phong là sản phẩm của thực hành Siêu Thực không? Các sản phẩm đó có ý nghĩa gì, nói lên điều gì? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu.

Việc đầu tiên tôi cần xác định: giấc mơ chính nó không có tính siêu thực. Đối với người đang mơ, như chính họa sĩ thú nhận, nó rất thực. Như chính anh thú nhận. Mơ là trạng thái của não đối chiếu với trạng thái tỉnh. Trong đa phần chúng ta đó là hai trạng thái hoàn toàn khác biệt. Khi tỉnh ta ý thức việc ta làm và tuân theo lý trí và ý chí. Ngược lại khi mơ ta hoàn toàn thụ động, bị kiểm soát bởi những động lực phi-ý-thức, bề ngoài phi lý. Tuy vậy trong một số trường hợp đặc biệt, hai cái trùng nhập như trong những người mộng du. Người mộng du có thể đi trên mái nhà mà không hề ngã, y như lúc họ tỉnh, nhưng khi bừng tỉnh dậy họ không hề hay biết mình đã ra khỏi giường. Còn siêu thực, như ta sẽ thấy dưới đây lại là một phương pháp nghệ thuật nhằm
khai thông và phóng thích cái đẹp và ý nghĩa tiềm ẩn trong giấc mơ.

Tượng Gốm của Hoạ sĩ Đinh Phong. Kích thước 50 x 50 cm x 45. ST 2021
Tượng Gốm của Hoạ sĩ Đinh Phong. Kích thước 50 x 50 cm x 45. ST 2021

Tự ngàn xưa và từ Đông sang Tây, các văn hóa Ai Cập, Ấn Độ, Hy Lạp, Trung Hoa đều có nói đến khả năng dự báo tương lai của mộng. Điều đáng chú ý là với các nhà tư tưởng Cổ Hy La, việc nghiên cứu về mộng chưa bao giờ được nâng lên thành một môn nghiên cứu nghiêm chỉnh như triết học, mỹ học, toán học, siêu hình học,v.v…. Chưa bao giờ có môn “mộng học.” Theo tôi có lẽ vì mộng mị là một phạm trù tư tưởng mà lô gích không thể nào nắm được, nên họ đẩy nó vào phạm trù Thơ cho xong! Trong triết học tôi chỉ biết có Trang Tử là dùng giấc mơ để bày tỏ sự nghi ngờ về thực tại khi ông tự hỏi, “Trang Tử nằm mộng hóa thành bướm hay bướm nằm mộng hóa thành Trang Tử.”

Cho đến cuối thế kỷ thứ 19 khi Sigmund Freud viết quyển “Cách Diễn Giải Giấc Mơ” vào năm 1899 thì ta mới có một giải thuyết về cấu tạo của tư duy con người, trong đó giấc mơ đóng một vai trò quyết định. Theo Freud tư duy gồm 2 thành phần, phần Ý Thức và phần Tiềm Thức. Phần Ý Thức là nơi tích tụ Ego, cái làm nên cá tính, còn phần Tiềm Thức là nơi trú ngụ của Id, cái do bên ngoài tác động đến, hằn sâu trong trí nhớ. Theo ông nếu có sự hòa hợp giữa Ego và Id thì hành vi con người bình thường. Còn nếu Ego và Id xung đột kịch liệt thì hành vi con người sẽ bất bình thường, nhiều khi bị xã hội xem là điên loạn. Nhằm hóa giải các xung đột ấy, ông đề xuất các phương pháp chữa trị như tự thú, liên kết tự do, thôi miên và đặc biệt là giải mộng.

Lần đầu tiên giấc mơ được đề cao trong nghệ thuật hơn bao gì hết là trong Tuyên Ngôn Siêu Thực (1924) của Andre Breton. Trong bản tuyên ngôn ấy ông và các cộng sự đánh giá cao những khám phá của Freud. Nhưng thay vì xem sự va chạm giữa ý thức và tiềm thức là căn nguyên của bệnh tâm thần cần được điều tri, họ lại đế cao nó như ngọn lửa sáng tạo trong nghệ thuật, khai phóng ra Cái Đẹp mới lạ chưa từng có mà họ đặt tên là Cái Đẹp Siêu Thực.

Một tác phẩm chất liệu sơn dầu & Acrylic trên canvas có kích thước khá lớn của họa sĩ Đinh Phong vừa sáng tác tháng 8 năm 2021
Một tác phẩm chất liệu sơn dầu & Acrylic trên canvas có kích thước khá lớn của họa sĩ Đinh Phong vừa sáng tác tháng 7 năm 2021

Breton định nghĩa Siêu Thực như sau: “Siêu Thực dựa trên lòng tin vào những dạng thức liên thông trước giờ bị xem nhẹ nhưng còn thực hơn thực tại, vào sức mạnh vô song của giấc mơ, vào sự rong chơi vô-vụ-lợi của tư duy.” Và tiếp theo là phương pháp Siêu Thực” “Sự buôn thả tâm lý nhằm biểu hiện trung thực nhất cách tư duy vận hành. Nó khởi động từ tư duy, và không chịu sức ép nào của lý trí hay đạo đức.” Từ những quan điểm triết học về nhân sinh, đóng góp lớn nhất của phái Siêu Thực là đã đề ra một số phương pháp tạo hình cụ thể ứng dụng vào trong nghệ thuật, trước nhất là vào các môn viết (văn, thơ) và sau là các môn nghệ thuật thị giác (họa, điêu khắc, phim, kịch,v.v…) Ta có thể đồng ý hay không với những quan điểm triết học của phái Siêu Thực, nhưng điều quan trọng là qua phương pháp siêu thực, nghệ thuật thế giới đã có được những tác phẩm vô cùng độc đáo.

Một trong các phương pháp tạo hình cơ bản của phái Siêu Thực là “sáng tác tự động”. Phương pháp này cho phép những gì chất chứa trong tiềm thức tuôn chảy ra một cách thuần khiết nhất, không bị kiểm duyệt hay bóp méo bởi hàng rào ý thức bị thao túng bởi lô gích, đạo đức, tôn giáo, v.v…Trong nghệ thuật viết (văn hay thơ) ông tả phương pháp đó như sau; “Bạn hãy tự đặt mình vào một tâm trạng càng thụ động, càng cởi mở càng tốt. Hãy quên đi cái siêu phàm, cái tài nghệ của mình hay của người khác…Hãy viết rất nhanh, không đề tài định sẵn, nhanh đến độ bạn không thể nhớ được bạn vừa viết gì và không có cơ hội đoc lại những gì bạn vừa viết xong…” Nếu ta thay thế chữ “viết” bằng chữ “vẽ” thì ra phương pháp vẽ tự động hoặc vẽ vô thức. Phương pháp này được triển khai một cách thử nghiệm bởi trước hết là họa sĩ Pháp Jean Dubuffet và đạt trình độ bức phá với hai họa sĩ Mỹ của trường phái Trừu Tượng Biểu Hiện Jackson Pollock và Willem de Kooning. Họ rũ bỏ mọi tính toán, phân tích để chỉ tuân theo trực giác. Họ chấp nhận sự vụng về, thô triển, tránh xa sự chải chuốt, vẹn toàn. Họ mê say hành động, tránh xa suy tư. Vì thế nhà phê bình Harold Rosenberg đặt tên phong cách của họ là “Hội Họa Hành Động.”

Phương pháp tạo hình thứ nhì chủ trương đồng hiện hai thực tại tưởng chừng không liên quan. Một ví điển hình là Magritte vẽ một chiếc xe lửa chạy ra từ một lò sưởi trong một căn phòng trông rất phong lưu, thanh nhã. Breton nhắc đến lời của người bạn Pierre Reverdy: “Hình ảnh là hoàn toàn do tư duy sáng tạo ra. Nó không sinh ra từ so sánh giữa hai thực tại, mà do sự ghép chúng lại gần. Liên hệ giữa hai thực tại đó càng xa vời nhưng thật, năng lượng cảm xúc và chất thơ chúng tạo ra càng sung mãn.” Phương pháp này đã được các họa sĩ De Chirico, Magritte, Delvaux và Dali khai thác xuất sắc.

Họa sĩ Đinh Phong trong xưởng làm việc của anh.  
Họa sĩ Đinh Phong trong xưởng làm việc của anh.

Vậy có phải tranh của Đinh Phong là sản phẩm của thực hành Siêu Thực không? Các sản phẩm đó khơi dậy cảm xúc gì? Toát ra ý nghĩa gì?

Rõ ràng Đinh Phong đã chọn phương pháp tạo hình đầu tiên, tức phương pháp “sáng tác vô thức”. Theo lời Đinh Phong, trước khi vẽ anh ngồi thiền trên dưới 1 tiếng. Sau đó anh phóng bút. Anh không cố gắng “bố cục” bức tranh mà để nó tự bố cục. Những mảng màu rời rạc, những hình dạng phong nhiêu vùng vấy trên mặt toan. Anh không tính toán trước, không theo một lộ trình lô-gích nào. Anh chỉ để hình ảnh tuôn tràn. Và chúng thật sự tuôn tràn khi trong vòng 6 tháng anh đã tạo ra hơn 50 bức tranh cho cuộc triển lãm tại Hà Nội. Anh thật sự là một nhà thực hành chỉnh chu phương pháp “sáng tác vô thức”.

Thông qua phương pháp trên xuất hiện các hình ảnh trong tranh của anh. Vậy ta có thể nhận định gì về chúng? Chúng có ý nghĩa gì? Cái đẹp của chúng ở đâu?

Anh bảo chúng là những hình ảnh trong giấc mơ của anh. Tôi tin là anh thành thật. Nhưng có một điều khiến tôi thắc mắc. Bởi vì trong đa số các giấc mơ của tôi, thường tôi gặp những nhân vật có hình, dù hình đó không rõ ràng như khi ta tỉnh. Có người xa lạ, có người thân quen. Đôi khi cũng có những nhân vật khác lạ do sự lấp ghép của những nhân vật có thực. Nhưng ít khi nào tôi mơ thấy những hình ảnh trừu tượng như anh. Hay chúng là những hình ảnh đã được gạn lọc qua chức năng trừu-tượng-hóa của não? Trong bài “Cảm hay Hiểu Một Tác Phẩm Nghệ Thuật” tôi đã nêu trong y học đã phát hiện và định vị phần nào của bộ não có chức năng trừu-tượng-hóa sự vật. Theo tôi những hình ảnh đó, trong tranh của Đinh Phong, là sản phẩm của qui trình trừu- tượng-hóa chứ không phải là giấc mơ thuần túy. Dù thế nào chúng cũng có nét độc đáo không chối cãi.

Bộ Tứ Linh, chất liệu sơn dầu & Acrylic trên canvas có kích thước khá lớn của họa sĩ Đinh Phong vừa sáng tác tháng 8 năm 2021
Bộ Tứ Linh, chất liệu sơn dầu & Acrylic trên canvas có kích thước khá lớn của họa sĩ Đinh Phong vừa sáng tác tháng 8 năm 2021

Vậy thì các hình ảnh ấy có khiến tôi liên tưởng đến vật thể nào trong hiện thực? Nếu nghe theo lời Freud, có thể tôi sẽ nhận ra các bộ phận sinh dục hay biểu tượng của chúng. Hoặc theo lời Carl Jung, tôi sẽ bốc ra những ký hiệu của bộ tộc mang tính sinh tồn. Thú vị nhất là các liên tưởng mà nhà phê bình Nguyễn Quân đã tả trong bài viết của ông và tôi xin không nhắc lại. Nhưng bản thân tôi nhìn mãi nhưng vẫn không nhận ra vật thể gì trong hiện thực. Trí tưởng tượng của tôi có lẽ quá nghèo nàn để làm điều đó? Nhưng cũng có thể tìm cách liên tưởng đến những hình thể có thực là đi sai hướng?

Họa sĩ Đinh Phong đi thăm xưởng làm việc của nhà điêu khắc Đào Châu Hải ở Phú Thọ. 
Họa sĩ Đinh Phong đi thăm xưởng làm việc của nhà điêu khắc Đào Châu Hải ở Phú Thọ.

Chợt nhớ ra rằng anh là một người từng lăn lộn nhiều năm trong thương trường và trong y tế, đòi hỏi ở anh phải có lô-gich vững chắc óc phân tích nhạy bén và kỹ cương sắt thép. Ai sống sót trong môi trường tranh vật đầy hiểm họa tại nước Việt Nam vào thời kỳ “quá độ” tranh tối tranh sáng này mà thiếu các cá tính trên được? Có phải những trải nghiệm đầy căng thẳng đã tạo ra sức ép trong tiềm thức tự bấy lâu nay? Và có phải hiển hiện ra đây là hình dạng phong nhiêu, đa dạng của năng lượng được phóng thoát? Đối với tôi, cảm xúc mạnh mẽ nhất khi xem tranh Đinh Phong là cảm xúc choáng ngợp như rơi vào một từ trường khủng.

Còn màu sắc của Đinh Phong gợi nhớ điều gì? Franz Marc, cùng sáng lập ra trường phái Biểu Hiện Đức với Edvard Munch vào cuối thế kỷ thứ 19, từng quan niệm màu sắc và cảm xúc đi đôi với nhau. Với những thành kiến nhất định về nam nữ, ông đã khẳng định màu xanh lam tượng trưng cho nam tính và thần tính, màu vàng cho nữ tính và lạc tính, màu đỏ cho thú tính. Wassily Kandinsky, sáng lập ra phái Trừu Tượng, cũng xem màu là những nốt nhạc trong một bản hòa tấu. Màu của Picasso phản ảnh phần nào tâm trạng của ông: màu xanh lam u buồn của Thời Kỳ Màu Lam (1901-1904) nối lên sau khi ông mất người bạn thân thiết nhất Carles Casagemas, rồi đến màu hồng của Thời Kỳ Màu Hồng (1904-1906) sau khi ông gặp người bạn gái mới Fernande Olivier. Về phần Đinh Phong, một số tranh mang màu sắc rực rỡ, hài hòa, toát vẻ phấn khích, và một số mang gam màu khiêm tốn, toát vẻ trầm buồn. Không có gam màu nào là chủ đạo. Nếu màu sắc phản ảnh cảm xúc thì có thể nói Đinh Phong là con người có nhiều tâm trạng: trong một số tranh gam màu của anh đơn sắc như toàn xám hay toàn xanh lá cây có lẽ biểu hiện tâm trạng trầm tĩnh (của nhà kinh doanh?), và một số tranh khác rạng rỡ sắc màu, biểu hiện tâm trạng hưng phấn (của một nghệ sĩ?) dù chỉ là trong giấc mơ. Màu sắc có thể là tâm trạng của giấc mơ, nhưng cũng có thể là tâm trạng của anh khi nhớ lại giấc mơ. Điều hay là anh đã để chúng thể hiện một cách tự do, anh không tìm cách ức chế bất cứ tâm trạng nào.U buồn hay hưng phấn đều là một phần của con người anh.

Cuối cùng là bên sau những hình ảnh phân mảnh của Đinh Phong là ý nghĩa gì? Như Freud nhận định, các giấc mơ thoạt tiên có vẻ vô nghĩa. Nhưng một nhà tâm lý học uyên thâm có thể đào xới lên được dấu tích của những trải nghiệm từ thời thơ ấu. Trải nghiệm nào đau buồn sẽ bị ý thức vùi lấp đi. Nhưng chúng vẫn tồn tại dài lâu trong tiềm thức. Carl Jung đi xa hơn: tồn tại trong tiềm thức không chỉ là trải nghiệm cá nhân mà còn là trải nghiệm của cộng đồng. Tôi được biết tuổi thơ của Đinh Phong không phải quá nghiệt ngã. Vậy thì trải nghiệm của cộng đồng như thế nào? Nó thố lộ điều gì qua hình ảnh vỡ vụn? Chính anh nhận xét: “Tôi thấy sự đổ vỡ của những kiến trúc hoành tráng” Mặc dù là người thành đạt trên thương trường nhưng phải chăng đau đáu trong tiềm thức, anh vẫn cảm nhận được sự phù du của vật chất, sự nông cạn của tư tưởng?

Một điểm yếu của phương pháp sáng tác vô thức là nó có thể đưa đến lập đi lập lại. Tuy khởi nguồn từ giấc mơ nhưng sáng tạo phải được lý trí dẫn dắt thì mới tránh được vấn đề trên. Trong hội họa Siêu Thực, rất dễ nhận ra Delvaux thường lập lại đề tài những cô gái trần truồng mộng du trong đêm, còn Magritte rất phong phú đề tài: ống điếu, đôi tình nhân, giá vẽ, xe lửa, người đàn ông đội mũ.v.v… Nếu xem Trừu Tượng Biểu Hiện là hậu duệ của Siêu Thực thì Jackson Pollock cũng vấp phải tính lập đi lập lại. Vì thế phải điều chỉnh phương pháp này theo hướng chủ động “đào xới”, chứ không chỉ thụ động “góp nhặt” giấc mơ. Có vẻ như Đinh Phong ý thức được điểm này nên tranh của anh về màu sắc và hình thể khá đa dạng.

Sẽ có người nói nhìn Đinh Phong qua con mắt Siêu Thực là sai hoàn toàn mà phải nhìn anh qua con mắt Trừu Tượng Biểu Hiện. Như thế là phủ nhận liên hệ máu mủ giữa hai trường phái mà chính phái Trừu Tượng Biểu Hiện phải công nhận. Một cái khai thông tiềm thức qua giấc mơ, cái kia qua hành động vô thức. Sự khác biệt chỉ là ở ngoài vỏ bộc. Trong tranh Trừu Tượng Biểu Hiện của De Kooning ta thấy đường quẹt sơn “chiến” hơn, thô bạo hơn, dứt khoát hơn. Trong tranh của Đinh Phong nét bút còn nhiều chỗ ngập ngừng, kìm tỏa, có lẻ do một nữa bản năng nặng lý tính của anh ngại buông thả đến vỡ òa.

Photographer Minh Khánh (trái) đang chụp tranh họa sĩ Đinh Phong lại xưởng làm việc, sáng 15.3.2021 tại Sài Gòn.
Photographer Minh Khánh (trái) đang chụp tranh họa sĩ Đinh Phong lại xưởng làm việc, sáng 15.3.2021 tại Sài Gòn.

Chúng ta biết Đinh Phong đến trễ với hội họa và tự học, và đã có một cố gắng vượt bậc. Anh đã miệt mài tạo điều kiện cho tiềm thức tuôn chảy. Chọn cách tạo hình nào tối ưu cho sự tuôn chảy đó là một chọn lựa về phương pháp nghệ thuật. Anh đắn đo giữa nhiều ngõ ngách và hình như cuối cùng, đã chọn ra phong cách có thể nói là phong cách Đinh Phong.

Nhìn vào tranh là ta nhận ra ngay thế giới song song của Đinh Phong. Ngoài ra ý nghĩa của nghệ thuật Đinh Phong vẫn còn bỏ ngõ. Cái gì sẽ chảy ra từ tiềm thức ấy? Một dòng chảy đậm đặc cá tính hay một dòng chảy phản ảnh thời đại? Nhiều câu hỏi mà thời gian sẽ trả lời.

Tháng 3 năm 2021

Nhà nghiên cứu Trần Đán

5/5 - (1 bình chọn)
Scroll to Top